top of page

07 chính sách pháp luật nổi bật có hiệu lực từ tháng 01 năm 2021

1. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Căn cứ pháp lý: Bộ luật Lao động 2019; Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu.


Từ 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng dần theo lộ trình. Theo đó vào năm 2021, trong điều kiện lao động bình thường, lao động nam đủ 60 tuổi 3 tháng, lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng sẽ được nghỉ hưu. Mỗi năm, tuổi nghỉ hưu tăng 03 tháng với nam cho đến 62 tuổi vào năm 2028 và 04 tháng với nữ cho đến 60 tuổi vào năm 2035. Theo quy định cũ, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55

Tùy trường hợp, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Những người trong diện này gồm lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại nằm trong danh mục quy định; người làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.




Nguồn: VNExpress


2. Cán bộ công chức chưa đạt trình độ sẽ bị tinh giản

Căn cứ pháp lý: Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách tinh giản biên chế.


Tại Nghị định 143/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách tinh giản biên chế có hiệu lực từ ngày 10/12, Chính phủ quy định cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo, nhưng không có vị trí khác để bố trí sẽ bị tinh giản. Việc tinh giản áp dụng với cả công chức có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí đang đảm nhiệm, không thể bố trí việc khác.

Công chức có hai năm liên tiếp đến thời điểm xét tinh giản biên chế, có một năm hoàn thành nhiệm vụ, một năm không hoàn thành nhưng không thể bố trí việc làm khác; có hai năm liên tiếp mà mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định, nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản, được đơn vị đồng ý.



Nguồn: Internet


3. Cho phép đốt pháo hoa không gây tiếng nổ

Căn cứ pháp lý: Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo.


Nghị định 137/2020 có hiệu lực từ 10/1 cho phép người từ 18 tuổi trở lên được đốt các loại pháo hoa không phát ra tiếng nổ trong sinh nhật hoặc lễ tết, đám cưới, khai trương… Quy định mới nêu rõ người dân phải mua pháo hoa ở các cửa hàng của quân đội, nơi được phép mua bán loại pháo hoa này. Việc mua ở các hiệu tạp hóa, cửa hàng trang trí như hiện nay là không đúng luật.

Với loại pháo hoa nổ, người dân không được mua bán, sử dụng. Pháo hoa nổ chỉ được sử dụng theo giấy phép và phải đăng ký trước. Việc bắn pháo hoa nổ do quân đội phụ trách; các cơ quan, tổ chức khác ngoài quân đội không được bắn, trừ các trường hợp Thủ tướng quy định phục vụ cuộc thi bắn pháo hoa.



Nguồn: Hanoimoi.com


4. Dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị khai tử

Căn cứ pháp lý: Luật đầu tư 2020.


Luật đầu tư 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021 chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày 01/01/2021 chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, luật này vẫn cấm kinh doanh pháo nổ, mua bán mại dâm, mô, bộ phận cơ thể người…


Nguồn: Internet


5. Doanh nghiệp không phải thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng

Căn cứ pháp lý: Luật Doanh nghiệp 2020.


Từ ngày 01/01/2021, doanh nghiệp không phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng. Luật Doanh nghiệp 2020 không chỉ bỏ quy định “doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng”, "các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu" mà nội dung con dấu cũng không còn ấn định cụ thể. Theo đó, Luật này khẳng định doanh nghiệp có quyền quyết định về nội dung con dấu của mình.


Nguồn: Internet


6. Trường hợp xây nhà riêng lẻ được miễn giấy phép

Căn cứ pháp lý: Luật xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020.


Theo Luật xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 có hiệu lực ngày 1-1-2021, các trường hợp nhà ở sau được miễn giấy phép xây dựng bao gồm: (1) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (2) nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (3) nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng. Việc miễn giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ không được áp dụng trong trường hợp nhà xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.


Nguồn: Internet


7. Ôtô dưới 9 chỗ không phải lắp bình cứu hỏa

Căn cứ pháp lý: Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy.


Từ ngày 10/1, chính thức bãi bỏ quy định bắt buộc ô tô từ 4-9 chỗ ngồi phải trang bị bình cứu hỏa. Với loại phương tiện từ 9 chỗ trở lên vẫn phải lắp bình cứu hỏa, phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất và đặc điểm hoạt động.

Bốn năm trước, khi quy định ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải lắp bình cứu hỏa có hiệu lực, một số bình cứu hỏa mini để trong xe đã phát nổ do đặc thù khí hậu Việt Nam. Ngoài ra, nhiều hãng xe không thiết kế nơi để bình cứu hỏa gây khó khăn cho tài xế.


Nguồn: Internet



Phương Chi

Nguồn tổng hợp: VTV, VNExpress



bottom of page