top of page

HỘ CHIẾU VACCINE - THÁCH THỨC VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, SỰ CÔNG BẰNG VÀ RỦI RO PHÁP LÝ







Một số vấn đề chung về “hộ chiếu vaccine”

Khái niệm "hộ chiếu vaccine"

Khi việc bào chế và tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên thế giới bước đầu đạt được những kết quả khả quan, chính phủ nhiều quốc gia đã triển khai "hộ chiếu vaccine" với mong muốn tạo điều kiện mở cửa lại nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có một góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau đối với khái niệm "hộ chiếu vaccine".


Tại Mỹ, theo Tiến sĩ Zeke Emanuel, giáo sư về Đạo đức y tế, Đại học Pennsylvania, cựu thành viên ban cố vấn của Tổng thống Biden, "hộ chiếu vaccine" là một chứng nhận cung cấp thông tin về tình trạng vaccine của người sở hữu(1).


Tại Anh, "hộ chiếu vaccine", được hiểu là “Covid status certification" hay giấy chứng nhận trạng thái Covid(2), là một chứng nhận chứng minh người sở hữu có nguy cơ lây truyền Covid-19 cho người khác thấp hơn thông thường thông qua thử nghiệm hoặc tiêm phòng Vaccine(3).


Tại Israel, "hộ chiếu vaccine" được gọi là “Green Pass" - một ứng dụng cho phép người dân biết họ đã được tiêm chủng chống lại Covid-19 hoặc đã có khả năng miễn dịch ở một mức độ nào đó sau khi nhiễm virus hay không(4).


Tại Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ góc độ tiếp cận của ngành Y tế, “hộ chiếu vaccine” là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế, cho phép người có "hộ chiếu vaccine" không phải cách ly, xét nghiệm Covid-19(5).


Như vậy, phụ thuộc vào tích chất và cách thức triển khai, cách hiểu về "hộ chiếu vaccine" ở các quốc gia là khác nhau. Trên cơ sở tìm hiểu các thách thức khi triển khai "hộ chiếu vaccine", nhóm tác giả đưa ra khái niệm: Hộ chiếu vaccine làmột chứng nhận chứng minh rằng người sở hữu có mang kháng thể giúp họ miễn nhiễm với bệnh tật. Các kháng thể này có thể được tạo ra một cách tự nhiên khi khỏi bệnh hoặc được kích hoạt động qua tiêm chủng. Theo đó, "hộ chiếu vaccine" có thể tồn tại dưới hình thức là giấy chứng nhận hoặc mã QR-code và được cấp khi đáp ứng được các điều kiện sau: (i) người được cấp là bệnh nhân đã phục hồi hoặc đã được tiêm chủng có khả năng miễn dịch bảo vệ giúp họ không bị tái nhiễm và có khả năng miễn dịch bảo vệ lâu dài; (ii) tác nhân gây bệnh đột biến đủ chậm để khả năng miễn dịch hoạt động chống lại hầu hết các chủng; và (iii) các xét nghiệm miễn dịch có tỷ lệ dương tính thấp(6).


Thực trạng tình hình triển khai “hộ chiếu" vaccine

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ nhiều quốc gia đã phát hành "hộ chiếu vaccine" với kỳ vọng tạo điều kiện mở cửa lại nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Một số quốc gia nổi bật đã triển khai các chính sách liên quan đến “hộ chiếu vaccine” có thể kể đến như EU(7), Israel(8), Hoa Kỳ(9). Tại Việt Nam, ngày 19/3 trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia đã triển khai công tác chuẩn bị giải pháp kỹ thuật và chính sách thực hiện “visa vaccine” (còn gọi là "hộ chiếu vaccine")(10). Việt Nam dự kiến tiến hành triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine" dưới hình thức giấy chứng nhận đã tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Người dân sau khi tiêm chủng sẽ được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận. Về phạm vi áp dụng, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế, người có "hộ chiếu vaccine" sẽ không phải cách ly, xét nghiệm Covid-19. Hiện Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vaccine” thông qua mã QR-code(11).


Trong tương lai, “hộ chiếu vaccine” được kỳ vọng là nhân tố quyết định việc một cá nhân có thể được miễn khỏi các hạn chế về cách ly và giãn cách xã hội hay không và cho phép họ được làm việc và du lịch trong hầu hết các lĩnh vực. Nếu các quốc gia trên toàn thế giới có thể cùng xây dựng được một mô hình quản lý “hộ chiếu vaccine” hiệu quả, thì dịch bệnh Covid-19 sẽ từng bước được kiểm soát hoàn toàn, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dần quay trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, để làm được như vậy, quá trình triển khai “hộ chiếu vaccine" cần vượt qua được những thách thức và rủi ro nhất định.


Một số thách thức khi triển khai “hộ chiếu vaccine”

Thách thức về mặt pháp lý

Một trong những vấn đề lớn nhất gặp phải khi triển khai “hộ chiếu vaccine” đó là việc đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân. Thông thường, để được cấp “Hộ chiếu vaccine”, các cá nhân cần cung cấp các thông tin như họ và tên, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu hoặc căn cước công dân, email, tình trạng sức khoẻ,…Những thông tin cá nhân này có giá trị thương mại cao và là mục tiêu tấn công của nhiều cá nhân, tổ chức. Do đó, đặt ra thách thức về bảo mật thông tin cá nhân khi triển khai “hộ chiếu vaccine”.


Tại Việt Nam, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Khoản 15 Điều 13 Luật An ninh mạng năm 2015 (Luật An ninh mạng) quy định: “Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể”. Cụ thể hơn, theo khoản 13 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử, “Thông tin cá nhân là các thông tin góp phần định danh một cá nhân cụ thể, bao gồm tên, tuổi, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, thông tin y tế, số tài khoản, thông tin về các giao dịch thanh toán cá nhân và những thông tin khác mà cá nhân mong muốn giữ bí mật”. Luật An toàn thông tin mạng cũng đã quy định các nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng(12), trách nhiệm thu nhập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của tổ chức cá nhân(13), bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng(14) và trách trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng(15).


Bên cạnh đó, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 (Luật công nghệ thông tin) cũng đã đưa ra các quy định về nghĩa vụ và ràng buộc pháp lý đối với việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dụng dữ liệu cá nhân trong không gian mạng. Điều 21 Luật Công nghệ thông tin quy định việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của người khác phải có sự đồng ý từ người đó trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo đó, tổ chức, cá nhân thu nhập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác, ở đây là cơ quan quản lý dữ liệu hộ chiếu vaccine, có trách nhiệm thông báo cho người đó biết về hình thức, phạm vi, địa điểm và mục đích của việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người đó. Việc sử dụng thông tin cần đúng mục đích thu thập được và chỉ lưu trữ giới hạn. Trong quá trình sử dụng, cần thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Khi nhận được yêu cầu kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân, cần tiến hành các biện pháp cần thiết và không được cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân liên quan cho đến khi thông tin đó được đính chính lại. Ngoài ra, theo Điều 22 Luật Công nghệ thông tin, cơ quan quản lý dữ liệu hộ chiếu vaccine không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự đồng ý của người đó. Khi thông tin cá nhân của người đó bị lộ ra ngoài, cá nhân đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân(16).


Như vậy, có thể thấy hành lang pháp lý cho việc bảo mật thông tin cá nhân đã khá rõ ràng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai “hộ chiếu vaccine”, đặc biệt là “hộ chiếu vaccine” điện tử, để đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân của người dùng, cần thiết phải thường xuyên cập nhập, khắc phục và củng cố thêm các quy định về bảo mật thông tin cá nhân để phù hợp với hoàn cảnh. Bởi lẽ, việc xây dựng công nghệ thông tin và chính sách để xác định tình trạng tiêm chủng vaccine Covid 19 của một người còn rất nhiều vấn đề như: bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, ngăn chặn dữ liệu thông tin giả, tính thống nhất, đảm bảo công nghệ thu thập thông tin này tương thích với các ứng dụng khác…Trên thực tế, ứng dụng “hộ chiếu vaccine” điện tử của nhiều quốc gia đã dấy lên những lo ngại về an toàn và bảo mật dữ liệu cá nhân ví dụ như ứng dụng “Green Pass” của Isreal(17), “hộ chiếu vaccine” số hóa của EU(18),…Điều này là do việc xây dựng một ứng dụng lí tưởng cho “hộ chiếu vaccine” rất phức tạp, các nhà viết ứng dụng phải cần tạo ra một hệ thống an toàn, bảo vệ quyền riêng tư, dễ sử dụng, tương thích với nhiều thiết bị nhất có thể, có khả năng mở rộng cao và có thể hoạt động xuyên biên giới. Trong khi dữ liệu của ứng dụng phải liên kết với hồ sơ tiêm chủng từ hệ thống của các cơ sở tiêm chủng vaccine Covid-19, với số lượng lớn dữ liệu cá nhân tập trung lại một ứng dụng như vậy, hệ thống thông tin “hộ chiếu vaccine” là mục tiêu “tấn công” bất hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức.


Thách thức trong việc bảo đảm tính công bằng

Dưới góc độ xã hội, việc ban hành "hộ chiếu vaccine" vô hình trung tạo ra sự không công bằng, bất bình đẳng. Cụ thể ở đây là sự bất bình đẳng giữa những người đã được tiêm vaccine và những người chưa được tiêm vaccine. Bởi lẽ, nguồn cung ứng vaccine hiện nay còn hạn chế, trong khi nhu cầu tiêm vaccine của các nước trên thế giới là rất lớn, do đó sẽ phải tốn một khoảng thời gian khá lâu để một quốc gia có thể phổ biến việc tiêm chủng cho toàn bộ người dân. Nếu nhà nước áp dụng quy định về "hộ chiếu vaccine", nghĩa là sẽ tồn tại một khoảng thời gian mà khi đó những người chưa có kháng thể chống virus Sars-Cov-2 sẽ không được tự do đi lại; không được đến những địa điểm yêu cầu "hộ chiếu vaccine" như trường học, công ty, nhà hàng, rạp chiếu phim,...; hoặc tham gia các hoạt động đông người như tham dự các trận đấu bóng đá, sự kiện,...trong khi những người có "hộ chiếu vaccine" có thể đến và tham gia tất cả. Mục đích lớn nhất khi ban hành "hộ chiếu vaccine" là dần đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường, nhưng có lẽ việc trở lại cuộc sống bình thường ấy chưa thực sự dành cho tất cả mọi người. Lấy Israel làm ví dụ, đến nay tỷ lệ số người đã tiêm vaccine trên tổng dân số là 60% (đứng thứ ba trên thế giới theo số liệu của The New York Times)(19). Việc ban hành "hộ chiếu vaccine" hay nước này gọi là "green pass", sau hơn năm tháng đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi trong xã hội, nhiều người đã xuống đường biểu tình để chống lại chính sách này(20). Thực tế ở Việt Nam hiện nay, khi chỉ có 1% dân số đã được tiêm vaccine (The New York Times)(21), việc ban hành "hộ chiếu vaccine" sẽ gây nên sự bất bình đẳng trong xã hội.

Bên cạnh đó, các nước trên thế giới hiện nay có xu hướng cấp "hộ chiếu vaccine" dưới hình thức ứng dụng điện thoại, trong khi theo số liệu của Statista, có đến 25% dân số thế giới không sử dụng điện thoại thông minh(22), do vậy việc yêu cầu "hộ chiếu vaccine" có thể gây nhiều khó khăn cho những người không sử dụng hoặc những người có khó khăn khi tiếp cận công nghệ. Tại Việt Nam, thách thức trong việc đảm bảo tính công bằng khi triển khai "hộ chiếu vaccine" sẽ càng cao hơn khi hiện nay mới có khoảng 63% dân số có sử dụng điện thoại thông minh(23).


Dưới góc độ quốc tế, "hộ chiếu vaccine" có thể làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng tồn tại giữa các quốc gia, cụ thể là sự bất bình đẳng trong việc được tiếp cận vaccine và sự bất bình đẳng trong việc tự do đi lại của người dân giữa các nước khác nhau.

Thứ nhất, việc ban hành "hộ chiếu vaccine" như một điều kiện để di chuyển có thể gián tiếp tác động đến khả năng tiếp cận vaccine đồng đều của mọi người dân trên thế giới. Khi các nước đồng loạt yêu cầu tiêm chủng, nhu cầu được tiêm vaccine của người dân sẽ càng ngày càng tăng và mang tính chất cấp thiết. Nhu cầu tăng nhưng nguồn cung vaccine hiện nay còn hạn chế, dẫn đến việc phân phối vaccine trên thế giới vốn đã không đồng đều, nay càng tạo nên sự khác biệt giữa những quốc gia thu nhập cao và những quốc gia thu nhập thấp. Theo công bố của Chủ tịch WHO, tính đến tháng 1 năm 2021, hơn 39 triệu liều vaccine đã được cung cấp cho hoảng 49 nước có thu nhập cao trên thế giới, trong khi chỉ có 25 liều vaccine được cung cấp cho một quốc gia kém phát triển(24). Điều này có thể gián tiếp ảnh hưởng đến việc tối đa hoá lợi ích của việc tiêm chủng đối với từng xã hội và sức khỏe toàn cầu, bởi số lượng người bị lây nhiễm mới và số người tử vong do SARS-CoV-2 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn tăng nhanh. Do đó, virus SARS-CoV-2 vẫn sẽ tiếp tục biến đổi và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu.

Thứ hai, việc ban hành "hộ chiếu vaccine" có thể gây ra sự bất bình đẳng đối với quyền tự do đi lại của người dân giữa những quốc gia phát triển và kém phát triển. Các nước có thu nhập cao, có tỷ lệ dân số đã được tiêm vaccine cao có thể mở cửa, phục hồi sự phát triển kinh tế, người dân của họ được tự do xuất cảnh, nhập cảnh; trong khi người dân ở những nước thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình, ít có khả năng tiếp cận vaccine sẽ bị hạn chế quyền tự do di chuyển cơ bản đó. Như vậy, "hộ chiếu vaccine" một mặt có thể đem lại nhiều lợi ích cho từng cá nhân và cho nền kinh tế, nhưng mặt khác nó lại đang tạo ra những rủi ro đối với sức khoẻ của cộng đồng và tạo ra sự bất bình đẳng, hạn chế trực tiếp quyền tự do cơ bản của con người.


Thách thức về khoa học và công nghệ

Cùng với các rủi ro pháp lý và nguyên tắc về công bằng, bình đẳng, việc triển khai “hộ chiếu vaccine” cũng gặp phải thách thức trong việc xác định bằng chứng khoa học và xây dựng nền tảng công nghệ.


Thứ nhất, thách thức trong việc xác định hiệu quả của vaccine Covid-19

Theo nhận định của các chuyên gia WHO, hiện nay vẫn còn tồn tại một số ẩn số liên quan đến hiệu quả của Vaccine Covid-19 như: hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tật và hạn chế lây truyền (bao gồm cả việc phải đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2); thời gian miễn dịch do vaccine tạo ra; thời điểm của các liều tăng cường; độ tuổi và nhóm dân số cần ưu tiên tiêm chủng và chống chỉ định cụ thể; các triệu chứng phụ;…(25) Đây là những tính chất rất khó xác định, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại Vaccine phòng Covid-19 với hiệu quả bảo vệ cao thấp khác nhau như hiện nay. Điều này không chỉ đặt ra câu hỏi về hiệu lực của “hộ chiếu vaccine” mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định mức độ tin cậy của “hộ chiếu vaccine”, do đó, khiến việc công nhận và kiểm soát “hộ chiếu vaccine” gặp nhiều khó khăn.


Thứ hai, thách thức trong việc xây dựng công nghệ thông tin để ghi và xác nhận tình trạng tiêm chủng.

Xu thế chung trên toàn thế giới hiện nay là xây dựng “hộ chiếu vaccine” điện tử, tồn tại dưới dạng ứng dụng hoặc mã QR-Code chứa thông tin sức khỏe và tình trạng tiêm vaccine Covid-19 của một người. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện hoá ý tưởng “hộ chiếc vaccine” điện tử này đang gặp phải một số rủi ro như sau.

Một là, “hộ chiếu vaccine” điện tử đang phải đối mặt với rủi ro về các tiêu chuẩn chung khi mỗi quốc gia lại có một giải pháp công nghệ khác nhau. Nhiều hình thức “hộ chiếu vaccine” điện tử đã được phát triển và đưa vào sử dụng. Tại Anh, công ty công nghệ VST Enterprises (VSTE) đã phát triển ứng dụng V-health Passport(26). Ứng dụng này đã được thử nghiệm từ tháng 4 năm 2020 và đến nay đã được sử dụng ở 2 sân bay Newcastle và Liverpool John Lennon tại Anh. Tại Mỹ, nhiều công ty đã phát triển giải pháp “hộ chiếu vaccine” điện tử như “Excelsior Pass” dựa trên công nghệ Digital Health Pass của Công ty IBM được sử dụng tại Tiểu Bang New York(27); công nghệ hồ sơ vaccine điện tử của Công ty Healthvana được sử dụng tại quận Los Angeles(28); Composite Apps của công ty Othena đã từng được thử nghiệm tại Quận Cam, Bang California(29);…Trên thế giới, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã xây dựng giải pháp hộ chiếu Vaccine công nghệ. Điển hình có thể kể đến như: Ứng dụng “CommonPass” do dự án Commons và Diễn đàn kinh tế thế giới phát triển và đã được sử dụng bởi nhiều hãng hàng không như Jetblue, Lufthansa, Swiss International Airlines, United Airlines và Virgin Atlantic(30); Ứng dụng IATA Travel Pass được phát triển bởi Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế; hay AOKpass, một loại hồ sơ y tế điện tử được phát triển bởi Phòng thương mại quốc tế ICC hợp tác cùng International SOS và tập đoàn SGS(31);…Việc xuất hiện nhiều loại “hộ chiếu vaccine" điện tử khác nhau đã đặt ra câu hỏi lớn trong việc xác định chất lượng và hiệu quả của các loại hộ chiếu vaccine (về loại vaccine được chấp nhận; về số lượng thông tin người cung cấp; thời hạn sử dụng; số mũi tiêm;…). Do đó, không chỉ gây khó khăn cho Chính phủ các quốc gia trong việc công nhận và kiểm soát “hộ chiếu vaccine” mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng, khiến người dùng gặp khó khăn, mất thời gian trong việc chuyển đổi, và có thể phải đối mặt với các hạn chế khi tham gia vào các hoạt động xã hội nếu sử dụng “hộ chiếu vaccine” không hợp lệ.

Hai là, “hộ chiếu vaccine” điện tử đang đối mặt với rủi ro cao về bảo mật dữ liệu. Đây là mối quan tâm lớn với các nhà phát triển và người dùng ứng dụng, bởi đây các dữ liệu “hộ chiếu vaccine” yêu cầu cung cấp là dữ liệu cá nhân - loại thông tin mà tất cả mọi người đều mong muốn được bảo vệ một cách hợp pháp. Việc đảm bảo bảo mật dữ liệu là yếu tố quyết định việc “hộ chiếu vaccine” điện tử có được chấp nhận sử dụng hay không. Tại Việt Nam, mặc dù tính tới thời điểm hiện tại, chưa có thông báo chính thức về “hộ chiếu vaccine” điện tử, nhưng có thông tin cho biết rằng Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang kết hợp cùng cùng Trung tâm giải pháp Y tế, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel để triển khai giải pháp công nghệ thông tin cho “hộ chiếu vaccine” dưới hình thức công nghệ chuỗi – khối (Blockchain) và mã QR-code. Tuy nhiên, việc trao đổi xác định danh tính cá nhân cũng như xác nhận tình trạng tiêm chủng đòi hỏi có sự hợp tác quốc tế. Để giải quyết được các vấn đề này, các quốc gia cần làm việc và trao đổi với nhau về vấn đề chấp nhận “hộ chiếu vaccine" thông qua việc xây dựng một hệ thống đảm bảo các tiêu chuyển tương tác mở để hỗ trợ truy cập và trao đổi dữ liệu an toàn không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở cấp quốc tế.


Một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện quy trình triển khai “hộ chiếu Vaccine” tại Việt Nam

Để quá trình triển khai “hộ chiếu vaccine” đạt được hiệu quả, thực sự trở thành giải pháp giúp Việt nam phục hồi nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường, cần đồng thời thực hiện các giải pháp sau.


Thứ nhất, đối với các rủi ro pháp lý.

Cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để dự liệu các tình huống mới có thể xảy ra. Cụ thể, đối với các quy định về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, cần quy định rõ ràng và bao quát hơn về đối tượng được tiếp cận vaccine. Về quy định liên quan đến bảo mật thông tin, cần có quy định thống nhất định nghĩa “thông tin cá nhân” trong các văn bản pháp luật có liên quan. Chế tài hiện hành về xử lý vi phạm bảo mật thông tin cá nhân còn chưa đủ răn đe với những cá nhân vi phạm, bởi giá trị của những thông tin cá nhân bị thu thập, sử dụng bất hợp pháp đó còn cao hơn nhiều so với số tiền nộp phạt. Bên cạnh đó, khi thực thi pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cần phải nghiêm minh hơn nữa trong việc xử lý các hành vi sai trái liên quan đến bảo mật thông tin. Thông tin cá nhân phải được coi là tài sản để được bảo vệ, người dân cần phải chung tay với cơ quan có thẩm quyền, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về các vấn đề bảo mật thông tin, nâng cao nhận thức hơn nữa đến việc bảo mật thông tin cá nhân của bản thân và của gia đình.


Thứ hai, đối với vấn đề về sự công bằng và bình đẳng.

Chính phủ cần phải cẩn trọng khi ban hành và xác định phạm vi áp dụng của hộ chiếu vaccine (đưa hộ chiếu vaccine trở thành yêu cầu bắt buộc để vào các nhà hàng, quán ăn, tham gia sự kiện công cộng…). Cần lưu ý rằng có những người không có khả năng để tiếp cận hoặc tiêm vaccine Covid 19 vì những lý do khách quan. Ở Việt Nam, phương án khả thi nhất cho vấn đề bất bình đẳng giữa những người đã tiêm vaccine và chưa tiêm vaccine là triển khai hộ chiếu vaccine sau khi mức độ người dân được tiêm vaccine Covid - 19 đạt hơn 90% dân số. Nếu triển khai “hộ chiếu vaccine” trước thời điểm này, cần đảm bảo sự không phân biệt, đối với cả người chưa được tiêm chủng và người được tiêm chủng các loại vaccine chưa được chấp nhận.


Thứ ba, đối với thách thức về bằng chứng khoa học.

Một là, khi đưa ra quyết định triển khai, chấp nhận “hộ chiếu vaccine”, chính phủ cần dựa trên các bằng chứng khoa học đáng tin cậy để có các giải pháp và quyết định phù hợp. Để làm được như vậy, cần tham khảo nhiều nguồn thông tin, thường xuyên cập nhập, nắm bắt tình hình của các quốc gia khác và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế.

Hai là, để việc triển khai thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng, giúp mở cửa giao thương quốc tế, “hộ chiếu vaccine” cần phải được sử dụng không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở cấp quốc tế. Chính phủ cần cùng với Bộ Y tế và các cơ quan khác cần trao đổi, xây dựng phương án áp dụng và chấp nhận “hộ chiếu vaccine” của các quốc gia khác, áp dụng đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các quốc gia, áp dụng với vaccine nào và cách ly ra sao.

Ba là, về lâu dài, cần xem xét thành lập một nhóm nghiên cứu xác định hiệu quả của loại vaccine được sử dụng trong nước, đồng thời so sánh, đối chiếu với hiệu quả của các loại vaccine được sử dụng ở các quốc gia khác. Trên cơ sở đó, đưa ra các tiêu chuẩn về hiệu quả vaccine, xác định thời hạn hiệu lực và đưa ra khuyến nghị hành vi cho các cá nhân đã được tiêm phòng đối với từng loại “hộ chiếu vaccine” của các quốc gia khác nhau.


Thứ tư, đối với “hộ chiếu vaccine” điện tử.

Hiện nay, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang kết hợp cùng cùng Trung tâm giải pháp Y tế, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel để triển khai giải pháp công nghệ thông tin cho “hộ chiếu vaccine” dưới hình thức công nghệ chuỗi – khối (Blockchain) và mã QR-code. Tuy nhiên, để “hộ chiếu vaccine” được công nhận và đi vào thực tiễn sử dụng, cần thực hiện các giải pháp như sau.

Một là, để tránh các rủi ro về việc sử dụng sai dữ liệu, giả mạo và vi phạm quyền riêng tư dữ liệu cá nhân, dữ liệu sức khoẻ, cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia và kinh nghiệm trước đó để xác định những chuẩn bảo mật mà chứng nhận vaccine cần đáp ứng.

Hai là, để “hộ chiếu vaccine” công nghệ thông tin của Việt Nam được các quốc gia khác công nhận, cần nhanh chóng làm việc với các nước trên thế giới xây dựng một hệ thống đảm bảo các tiêu chuẩn tương tác mở để hỗ trợ truy cập và trao đổi dữ liệu an toàn không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở cấp quốc tế. Hệ thống này cần phải đảm bảo độ an toàn, bảo mật và tin cậy.

Ba là, như đã đề cập ở phần trên, không phải cá nhân nào cũng có đủ khả năng hoặc được tiếp cận với công nghệ thông tin. Hộ chiếu vaccine nên triển khai và chấp nhận ở cả cách tiếp cận không cần điện thoại thông minh, có thể ở dưới dạng giấy tờ, thẻ cứng kết hợp với mã QR-code, cách tiếp cận này tiếp cận được đến nhiều người.


Hồng Minh - Mỹ An - Hà Anh

Ảnh: Hà Trương


 

HỆ THỐNG GHI CHÚ

(1) NPR 50, The Ethics Of “Vaccine Passports, 06/4/2021, https://www.npr.org/2021/04/06/984829952/the-ethics-of-vaccine-passports, accessed on 28/5/2021.

(2) Government of the United Kingdom, Covid-19 Response – Spring 2021, 02/2021, https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/963491/COVID-19_Response_-_Spring_2021.pdf#page=44, accessed on 23/05/2021.

(3) Institute for Government, Vaccine passports, 24/03/2021, https://www.instituteforgovernment.org.uk/explainers/vaccine-passports, accessed on 23/05/2021

(4) Thomas Wintle, How is Israel's 'vaccine passport' working - and should Europe follow?, 05/4/2021, https://newseu.cgtn.com/news/2021-04-05/How-is-Israel-s-vaccine-passport-working-and-should-Europe-follow--Zchw9FgZVe/index.html, accessed on 23/05/2021.

(5) Bích Liên, Triển khai chủ trương “hộ chiếu vaccine”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 19/03/2021, https://dangcongsan.vn/khoa-giao/trien-khai-chu-truong-ho-chieu-vaccine-576826.html, truy cập 23/05/2021.

(6) Mark A.Hall, David M. Studdert, Privileges and Immunity Certification During the COVID-19 Pandemic, https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2765835, accessed on 23/05/2021.

(7) Ngày 21/5/2021, EU đã đạt được thỏa thuận về hộ chiếu vaccine, cho phép người tiêm chủng đầy đủ được đi lại tự do giữa các nước thành viên từ ngày 1/7.

(8) Tại Israel, quốc gia đã triển khai tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19 cho hơn một nửa dân số trưởng thành, và đã triển khai giấy chứng nhận vắc-xin - “Thẻ xanh” (Green Pass), vào cuối tháng 2 vừa qua. Những người có thẻ xanh có thể đến các địa điểm như nhà hát, phòng hòa nhạc và nhà hàng và quán bar trong nhà – những nơi vẫn bị cấm đối với những ai chưa tiêm vắc-xin, và sẽ được phép du lịch không bị hạn chế đến Hy Lạp, theo thỏa thuận giữa hai nước.

(9) Tại Hoa Kỳ, theo khuyến nghị mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh được công bố vào ngày 8 tháng 3, các cá nhân được tiêm chủng được phép hòa nhập trong nhà với nhau mà không cần đeo khẩu trang hoặc duy trì khoảng cách vật lý, và cũng có thể làm như vậy với một số lượng hạn chế những người chưa được tiêm chủng. người, miễn là họ có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng thấp.

(10) Đức Tuân – Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu 'hộ chiếu vaccine', mở lại đường bay quốc tế, http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/thu-tuong-yeu-cau-nghien-cuu-ho-chieu-vaccine-mo-lai-duong-bay-quoc-te.html, truy cập 23/05/2021.

(11) Bích Liên, Triển khai chủ trương “hộ chiếu vaccine”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 19/03/2021, https://dangcongsan.vn/khoa-giao/trien-khai-chu-truong-ho-chieu-vaccine-576826.html, truy cập 23/05/2021.

(12) Theo Điều 16 Luật An toàn thông tin mạng 2015.

(13) Theo Điều 17 Luật An toàn thông tin mạng 2015.

(14) Theo Điều 19 Luật An toàn thông tin mạng 2015.

(15) Theo Điều 20 Luật An toàn thông tin mạng 2015.

(16) Theo Khoản 3 Điều 22 Luật Công nghệ thông tin 2006.

(17) CatFerguson & Joshua Mitnick, Israel’s “green pass” is an early vision of how we leave lockdown, MIT Technology Review, 01/03/2021, https://www.technologyreview.com/2021/03/01/1020154/israels-green-pass-is-an-early-vision-of-how-we-leave-lockdown/, accessed on 28/5/2021.

(18) Andrew Rettman, Nine EU states close borders due to virus, euobserver, https://euobserver.com/coronavirus/147742, truy cập ngày 31/5/2021.

(19) Josh Holder, Tracking Coronavirus Vaccinations Around the World, The New York Times, updated on 27/5/2021, https://www.nytimes.com/interactive/2021/world/covid-vaccinations-tracker.html, accessed on 28/5/2021.

(20) Idan Zonshine, Protesters demonstrate against vaccine coercion, green passports in Tel Aviv, The Jerusalem Post, 24/02/2021, https://www.jpost.com/israel-news/protesters-demonstrate-against-vaccine-coercion-green-passports-in-tel-aviv-660106, accessed on 25/05/2021.

(21) Josh Holder, tlđd.

(23) S. O’Dea, tlđd.

(24) Michaeal Safi, “WHO: just 25 Covid vaccine doses administered in low-income countries, The Guardian, 18/1/2021, https://www.theguardian.com/society/2021/jan/18/who-just-25-covid-vaccine-doses-administered-in-low-income-countries, accessed on 28/5/2021.

(25) World Health Organization, Interim position paper: considerations regarding proof of COVID-19 vaccination for international travellers, https://www.who.int/news-room/articles-detail/interim-position-paper-considerations-regarding-proof-of-covid-19-vaccination-for-international-travellers, accessed on 23/5/2021.

(26) https://v-healthpassport.co.uk/, accessed on 25/5/2021

(28) Công nghệ này trước đó đã được sử dụng từ năm 2016 để lưu trữ hồ sơ của bệnh nhân HIV.

(30) https://thecommonsproject.org/commonpass, accessed on 25/5/2021



 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Công nghệ thông tin 2006.

2. Luật An toàn thông tin mạng 2015.

3. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.

4. Bích Liên, Triển khai chủ trương “hộ chiếu vaccine”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 19/03/2021, https://dangcongsan.vn/khoa-giao/trien-khai-chu-truong-ho-chieu-vaccine-576826.html, truy cập 23/05/2021.

5. Cat Ferguson & Joshua Mitnick, Israel’s “green pass” is an early vision of how we leave lockdown, MIT Technology Review, 01/03/2021, https://www.technologyreview.com/2021/03/01/1020154/israels-green-pass-is-an-early-vision-of-how-we-leave-lockdown/, accessed on 28/5/2021.

6. Đức Tuân – Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu 'hộ chiếu vaccine', mở lại đường bay quốc tế, http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/thu-tuong-yeu-cau-nghien-cuu-ho-chieu-vaccine-mo-lai-duong-bay-quoc-te.html, truy cập 23/05/2021.

7. Government of the United Kingdom, Covid-19 Response – Spring 2021, 02/2021,https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/963491/COVID-19_Response_-_Spring_2021.pdf#page=44, accessed on 23/05/2021.

8. Idan Zonshine, Protesters demonstrate against vaccine coercion, green passports in Tel Aviv, The Jerusalem Post, 24/02/2021, https://www.jpost.com/israel-news/protesters-demonstrate-against-vaccine-coercion-green-passports-in-tel-aviv-660106, accessed on 25/05/2021.

9. Institute for Government, Vaccine passports, 24/03/2021, https://www.instituteforgovernment.org.uk/explainers/vaccine-passports, accessed on 23/05/2021.

10. Josh Holder, Tracking Coronavirus Vaccinations Around the World, The New York Times, updated on 27/5/2021, https://www.nytimes.com/interactive/2021/world/covid-vaccinations-tracker.html, accessed on 28/5/2021

11. Mark A.Hall, David M. Studdert, Privileges and Immunity Certification During the COVID-19 Pandemic, https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2765835, accessed on 23/05/2021.

12. Michaeal Safi, WHO: just 25 Covid vaccine doses administered in low-income countries, The Guardian, 18/1/2021, https://www.theguardian.com/society/2021/jan/18/who-just-25-covid-vaccine-doses-administered-in-low-income-countries, accessed on 28/5/2021.

13. NPR 50, The Ethics Of “Vaccine Passports, 06/4/2021, https://www.npr.org/2021/04/06/984829952/the-ethics-of-vaccine-passports, accessed on 28/5/2021.

15. Thomas Wintle, How is Israel's 'vaccine passport' working - and should Europe follow?, 05/4/2021, https://newseu.cgtn.com/news/2021-04-05/How-is-Israel-s-vaccine-passport-working-and-should-Europe-follow--Zchw9FgZVe/index.html, accessed on 23/05/2021.15.

16. World Health Organization, Interim position paper: considerations regarding proof of COVID-19 vaccination for international travellers, https://www.who.int/news-room/articles-detail/interim-position-paper-considerations-regarding-proof-of-covid-19-vaccination-for-international-travellers, accessed on 23/5/2021.





bottom of page