top of page

Một số hạn chế Việt Nam đưa ra trong Biểu cam kết đối với dịch vụ bảo hiểm trong khuôn khổ EVFTA

EVFTA là một hiệp định quan trọng, hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của cả hai phía Việt Nam và EU. Trong nhóm dịch vụ về tài chính được đề cập bởi văn kiện chính EVFTA cũng như trong các Biểu cam kết về các dịch vụ cụ thể, dịch vụ bảo hiểm và liên quan đến bảo hiểm chiếm vị trí quan trọng. Trong biểu cam kết của mình, Việt Nam đưa ra một số hạn chế đáng chú ý về tiếp cận thị trường đối với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, cũng như hạn chế đối với lĩnh vực bảo hiểm y tế. Bài viết này sẽ phân tích các hạn chế đó cũng như bình luận, đánh giá lý do cũng như tác động của các hạn chế này đối với thị trường Việt Nam.

TỔNG QUAN VỀ EVFTA

Hiệp định EVFTA, được khởi động đàm phán vào tháng 10 năm 2010, có hiệu lực vào tháng 08 năm 2020, đánh dấu một bước tiến lớn trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Hiệp định hứa hẹn là cú hích cho xuất nhập khẩu cả hai bên, trong cả hàng hóa lẫn dịch vụ. Bên cạnh đó, với tư cách là một FTA thế hệ mới, EVFTA còn đề cập đến các vấn đề cấp thiết khác như lao động, môi trường, năng lượng sạch và phát triển bền vững.


TỔNG QUAN VỀ NGÀNH BẢO HIỂM

Bảo hiểm là hình thức quản lý rủi ro, được sử dụng để hạn chế những rủi ro ngẫu nhiên hoặc các tổn thất có thể xảy ra. Ngành dịch vụ bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong các nền kinh tế phát triển. Trong danh sách các ngành dịch vụ tài chính được đề cập bởi EVFTA, ngành bảo hiểm chiếm một vai trò quan trọng. Bài viết này phân tích một số hạn chế mà Việt Nam đưa ra đối với dịch vụ bảo hiểm trong EVFTA, cũng như một số bình luận và đánh giá về những hạn chế đó.


DỊCH VỤ BẢO HIỂM CUNG CẤP CHO DOANH NGHIỆP KHÔNG CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ NGƯỜI VIỆT NAM

Các hạn chế Việt Nam đưa ra trong Biểu cam kết đối với tiếp cận thị trường của ngành bảo hiểm

Tại biểu cam kết về cung cấp dịch vụ qua biên giới và tự do hóa đầu tư của Việt Nam trong EVFTA (tiểu phụ lục 8-B-1), trong mục hạn chế về tiếp cận thị trường đối với dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, Việt Nam đưa ra cam kết như sau:

(1) Không hạn chế đối với: - Dịch vụ bảo hiểm, không bao gồm bảo hiểm y tế, cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;” - Dịch vụ tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm; - Dịch vụ bảo hiểm vận tải quốc tế, bao gồm bảo hiểm cho các rủi ro liên quan tới: + Vận tải biển quốc tế và vận tải hàng không thương mại quốc tế, với phạm vi bảo hiểm bao gồm bất kỳ hoặc toàn bộ các khoản mục sau: hàng hoá vận chuyển, phương tiện vận chuyển hàng hoá và bất kỳ trách nhiệm nào phát sinh từ đó; và + Hàng hóa đang vận chuyển quá cảnh quốc tế; - Dịch vụ môi giới bảo hiểm và môi giới tái bảo hiểm; Dịch vụ tư vấn, dịch vụ định phí, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường. (2) Không hạn chế. (3) Không hạn chế, ngoại trừ các quy định trong cam kết chung. Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ. Chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép thành lập sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực. (01/08/2020) Để đảm bảo hơn, điều này sẽ căn cứ vào các quy định quản lý thận trọng.”[*]

Trong bản cam kết này, (1) được hiểu là hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới, (2) là tiêu dùng ở nước ngoài và (3) là hiện diện thương mại.


Như vậy, đối với hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, Việt Nam không đưa ra giới hạn với việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm nói chung cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (ngoại trừ bảo hiểm y tế) và cung cấp dịch vụ bảo hiểm vận tải quốc tế. Việc không đặt ra giới hạn đối với bảo hiểm vận tải quốc tế là có thể được giải thích bởi xu hướng tự do hóa thương mại cũng như tính quốc tế của hàng hóa, nghĩa vụ được bảo hiểm. Việc đặt ra hạn chế đối với bảo hiểm y tế sẽ được giải thích tại phần sau. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường doanh nghiệp Việt Nam không có vốn đầu tư nước ngoài và người dân Việt Nam bằng hình thức này sẽ bị hạn chế.

Đối với hình thức tiêu dùng ở nước ngoài, Việt Nam không đưa ra bất cứ hạn chế nào cả. Việc người Việt Nam đi ra nước ngoài và mua các sản phẩm bảo hiểm ở đó sẽ không chịu các rào cản từ phía Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng khách hàng Việt Nam mà các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tiếp cận theo cách này là rất nhỏ.

Hình thức hiện diện thương mại chỉ gặp phải những hạn chế trong cam kết chung, và hạn chế về thành lập chi nhánh sẽ được gỡ bỏ sau 3 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực. Cam kết “Để đảm bảo hơn, điều này sẽ căn cứ vào các quy định quản lý thận trọng.” cho thấy Việt Nam dành sự quan tâm lớn đến hình thức tiếp cận thị trường này.


Hạn chế mà Việt Nam đưa ra giúp khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam

Hình thức tiếp cận thị trường tốt nhất và phổ biến nhất được các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sử dụng để tiếp cận thị trường doanh nghiệp Việt Nam và người dân Việt Nam là hiện diện thương mại. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có thể tiếp cận thị trường trong nước Việt Nam thông qua việc thành lập các đơn vị phụ thuộc như chi nhánh, văn phòng, đại lý hoặc liên kết với các ngân hàng tại Việt Nam.

Ta có thể thấy rằng thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài trên thị trường Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hiện diện thương mại của doanh nghiệp đó trên thị trường này. Việc chiếm thị phần bằng các hình thức tiếp cận thị trường khác là gần như bất khả thi. Theo thống kê về thị phần bảo hiểm nhân thọ năm 2019, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chiếm thị phần lớn tại Việt Nam hiện nay bao gồm Prudential (20,77%), Manulife (14,46%), Dai-ichi Life (11,7%), AIA (10,85%)...[1] Trên lãnh thổ Việt Nam, Prudential có 360 Văn phòng Tổng Đại lý, Văn phòng giao dịch và Trung tâm phục vụ khách hàng tại 63 tỉnh thành trên cả nước, cùng mạng lưới 8 Ngân hàng đối tác[2]; Manulife chỉ có 61 văn phòng trên 45 tỉnh thành cả nước, nhưng bù lại bằng chiến lược hợp tác và phân phối dịch vụ bảo hiểm thông qua hệ thống ngân hàng VietinBank, TechcomBank và SCB[3]; Dai-ichi Life có hệ thống 295 văn phòng và tổng đại lý rộng khắp toàn quốc[4]; AIA hợp tác phân phối bảo hiểm qua hệ thống các ngân hàng VPBank, Bản Việt, Kiên Long, HSBC[5]

Các đơn vị phụ thuộc này sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật của Việt Nam về thương mại, doanh nghiệp, đầu tư, thuế… Bằng cách đưa ra hạn chế như vậy, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đầu tư lãnh thổ của mình. Một mặt, đây là cách để Việt Nam tạo thế cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, mặt khác giúp tăng thu nhập trong nước, tăng việc làm và thông qua ngành bảo hiểm để điều hòa nguồn tiền dư thừa cũng như rủi ro trong xã hội.


Quy định về thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài, công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, công ty cổ phần bảo hiểm đối với tổ chức nước ngoài theo pháp luật Việt Nam hiện nay.

Pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn còn những quy định về thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài, công ty TNHH bảo hiểm, công ty cổ phần bảo hiểm đối với tổ chức nước ngoài có tính hạn chế hiện diện thương mại cũng như hạn chế về đầu tư. Có thể kể đến một vài ví dụ như dưới đây.Đối với việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, theo điểm a khoản 1 Điều 7 nghị định 73/2016/NĐ-CP, tổ chức nước ngoài cần phải đáp ứng những điều kiện như phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến và có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Trong khi đó, tổ chức Việt Nam muốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn không bị yêu cầu về kinh nghiệm, yêu cầu về tài sản chỉ 2000 tỷ đồng.

Đối với việc thành lập công ty cổ phần bảo hiểm, theo khoản 2 Điều 7 nghị định 73/2016/NĐ-CP, tổ chức nước ngoài phải có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập mà mỗi cổ đông có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến, có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Trong khi đó, tổ chức Việt Nam không bị yêu cầu về kinh nghiệm, yêu cầu về tài sản chỉ 2000 tỷ đồng.

Đối với việc thành lập chi nhánh nước ngoài, theo khoản 2 Điều 8 nghị định 73/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cần phải đáp ứng những điều kiện như phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến và có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cần có trụ sở chính tại quốc gia mà Việt Nam và quốc gia đó đã ký kết các điều ước quốc tế về thương mại, trong đó có thỏa thuận về thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam.

Cam kết “Chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép thành lập sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực.”, (tức là sau 3 năm kể từ ngày 01/08/2020) có vai trò là “thỏa thuận về thành lập chi nhánh trong điều ước quốc tế” được nhắc đến trong khoản 2 Điều 8 nghị định 73/2016/NĐ-CP nói trên.

Có thể thấy rằng, các hạn chế của Việt Nam đưa ra trong EVFTA khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm, mặt khác tháo bỏ bớt rào cản để doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.


HẠN CHẾ ĐỐI VỚI CUNG CẤP QUA BIÊN GIỚI DỊCH VỤ VỤ BẢO HIỂM Y TẾ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

Khái niệm và nguyên tắc Bảo hiểm y tế tại Việt Nam

Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008, “bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật này”. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 2 Luật này, “Bảo hiểm y tế toàn dân là việc các đối tượng quy định trong Luật này đều tham gia bảo hiểm y tế.” Có quan điểm nhận định rằng, bảo hiểm y tế toàn dân là mục đích lớn nhất của bảo hiểm y tế tại Việt Nam[6].

Bảo hiểm y tế tại Việt Nam được thực hiện theo các nguyên tắc: (1) Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, (2) Mức đóng bảo hiểm được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính, (3) mức hưởng bảo hiểm y tế theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. (4) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế cùng chi trả, (5) Quỹ bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được Nhà nước bảo hộ.

Đối tượng của bảo hiểm y tế là những đối tượng đặc biệt và cần được nhà nước hỗ trợ, ưu tiên như sĩ quan, người hưởng lương hưu hay trợ cấp mất sức lao động, người được hưởng trợ cấp xã hội do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo...


Tổ chức bảo hiểm y tế và ngành bảo hiểm y tế tại Việt Nam

Bảo hiểm y tế ở Việt Nam hiện nay do nhà nước quản lý hoàn toàn. Việc đăng ký và đóng phí bảo hiểm y tế tự nguyện được người dân thực hiện ở những nơi như Cơ quan Bảo hiểm xã hội của xã, phường, thị trấn hoặc Đại lý thu bảo hiểm xã hội.

Như vậy, chính sách về bảo hiểm y tế của nước ta khác với nhiều nước khác trên thế giới. Tại Nhật Bản, bảo hiểm y tế tư nhân bắt đầu được áp dụng từ năm 1963, và đến năm 1976, các công ty bảo hiểm nhân thọ tại nước này đều cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế. Chính phủ Nhật Bản cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận không hạn chế thị trường bảo hiểm y tế vào năm 2001[7]. Tại Hàn Quốc, vào năm 2008, độ bao phủ của bảo hiểm y tế đã lên đến hơn 70%, và bảo hiểm y tế tư nhân tham gia chia sẽ hơn 42% tổng chi tiêu cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế[8].

Hiện tại, tại Việt Nam chỉ có loại hình gần giống với bảo hiểm y tế tư là bảo hiểm sức khỏe. Bảo hiểm sức khỏe là một sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ của các công ty bảo hiểm, được điều chỉnh bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm thay vì Luật Bảo hiểm y tế.


Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng nào của bảo hiểm y tế?

Hiện nay, tại Việt Nam, người nước ngoài có thể tham gia bảo hiểm y tế dưới ba hình thức. Hình thức thứ nhất là người lao động, hình thức thứ hai là người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách Nhà nước, hình thức thứ ba là tham gia theo hộ gia đình. Đối với hình thức thứ ba, người nước ngoài phải có hộ khẩu tại Việt Nam hoặc có tên trong sổ tạm trú.

Tính đến năm 2019, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 91.200 người[9]. Đây là con số rất nhỏ so với dân số Việt Nam


Hạn chế đối với cung ứng qua biên giới và đầu tư dịch vụ bảo hiểm y tế thể hiện tinh thần pháp luật Việt Nam hiện nay đối với bảo hiểm y tế

Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện tại chưa cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh dịch vụ bảo hiểm y tế. Tinh thần chung của pháp luật Việt Nam là nhà nước thực hiện tổ chức và quản lý về bảo hiểm y tế. Sự tồn tại của Luật Bảo hiểm y tế song song với Luật Kinh doanh bảo hiểm cho thấy việc điều chỉnh bảo hiểm y tế phụ thuộc vào thẩm quyền và ý chí của nhà nước, trong khi những loại hình bảo hiểm khác, cho dù có vẻ giống với bảo hiểm y tế (ví dụ như bảo hiểm sức khỏe), là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng của họ. Một bên có bản chất là quan hệ hành chính, còn một bên có bản chất là quan hệ dân sự.


Tại biểu cam kết về cung cấp dịch vụ qua biên giới và tự do hóa đầu tư của Việt Nam trong EVFTA (tiểu phụ lục 8-B-1), trong mục hạn chế về tiếp cận thị trường, Việt Nam đưa ra cam kết như sau:

“(1) Không hạn chế đối với:

- Dịch vụ bảo hiểm, không bao gồm bảo hiểm y tế, cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;”

Trong bản cam kết này, (1) được hiểu là hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới, (2) là tiêu dùng ở nước ngoài và (3) là hiện diện thương mại.

Đối với hình thức hiện diện thương mại, doanh nghiệp nước ngoài phải thành lập một đơn vị phụ thuộc trên lãnh thổ Việt Nam hoặc phân phối bảo hiểm thông qua hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Khi đó, đơn vị phụ thuộc nói trên hoặc các ngân hàng sẽ đương nhiên bị pháp luật của Việt Nam điều chỉnh và không thể phát triển dịch vụ bảo hiểm y tế tư. Vì thế, Việt Nam không đưa ra hạn chế về bảo hiểm y tế đối với hình thức hiện diện thương mại.

So với hình thức hiện diện thương mại, hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới có tính chất hoàn toàn khác. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật nơi nó có trụ sở hoặc đơn vị phụ thuộc. Do sự khác biệt về luật pháp mỗi nước, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng doanh nghiệp nước ngoài phát triển sản phẩm dịch vụ bảo hiểm y tế tư. Khi thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đối với cá nhân nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, việc cá nhân nước ngoài hay doanh nghiệp muốn thực hiện cung ứng dịch vụ bảo hiểm y tế tư là hoàn toàn có thể xảy ra (ví dụ như người nước ngoài ở Việt Nam mua bảo hiểm của doanh nghiệp nước ngoài qua trang web hay phần mềm). Việc thực hiện mua bán như vậy là trái với pháp luật Việt Nam, bởi Việt Nam chưa cho phép phát triển loại hình bảo hiểm y tế tư. Bên cạnh đó, hành vi mua bán đó cũng trái với tinh thần quản lý và tổ chức nhà nước về bảo hiểm y tế theo pháp luật Việt Nam hiện nay.

Tỷ lệ người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là rất nhỏ so với tổng dân số, do đó việc mở cửa đối với bảo hiểm y tế tư dành cho thị trường người nước ngoài tại Việt Nam chắc chắn không đem ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đưa ra những hạn chế về dịch vụ này trong biểu cam kết. Do đó, ta có thể hiểu rằng hạn chế này có tính đảm bảo thực hiện chủ trương, chính sách quản lý nhà nước nhiều hơn là đảm bảo sự cạnh tranh thị trường hay bảo vệ các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.


TỔNG KẾT

Các hạn chế mà Việt Nam đưa ra trong biểu cam kết thể hiện phần nào chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Qua phân tích các hạn chế trên, ta có thể phần nào thấy được chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài được thể hiện thế nào trong lĩnh vực bảo hiểm, cũng như chính sách quản lý nhà nước đối với bảo hiểm y tế.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc các nước EU, việc hiểu rõ những cam kết mà Việt Nam đưa ra sẽ giúp định hướng xây dựng chiến lược đúng đắn để gia nhập thị trường Việt Nam. Việc tăng cường hiện diện thương mại cần được các doanh nghiệp tập trung các nguồn lực và đẩy mạnh. Đặc biệt, việc Việt Nam cho phép thành lập chi nhánh sau 3 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực cũng cần được các doanh nghiệp EU lưu ý, để tránh đánh mất cơ hội gia nhập thị trường cũng như cơ hội chiếm lĩnh thị phần. Mặt khác, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cũng cần hiểu về chính sách bảo hiểm y tế của Việt Nam để xây dựng các sản phẩm dịch vụ phù hợp.

Đối với Việt Nam, việc duy trì hạn chế đối với hình thức tiếp cận cung cấp dịch vụ qua biên giới sẽ giúp ngành bảo hiểm trong nước tránh được sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Chí Nhân

Nguồn ảnh: Internet

 

HỆ THỐNG GHI CHÚ - TÀI LIỆU THAM KHẢO

[*] EVFTA, phụ lục 8-B, BIỂU CAM KẾT CỤ THỂ CỦA VIỆT NAM

[1] AIA, Thị phần công ty bảo hiểm nhân thọ nào lớn nhất năm 2019, https://tuvanbaohiemaia.com/thi-phan-cong-ty-bao-hiem-nhan-tho-nam-2019/, truy cập 26/05/2021

[2] Prudential, Tìm hiểu về Prudential Việt Nam - Lịch sử phát triển, https://www.prudential.com.vn/vi/tim-hieu-ve-prudential-viet-nam/lich-su-phat-trien/, truy cập 26/05/2021

[3] Manulife, Về chúng tôi - Kênh hợp tác qua ngân hàng, https://www.manulife.com.vn/vi/ve-chung-toi/kenh-hop-tac-qua-ngan-hang.html, truy cập 26/05/2021

[4] Dai-ichi Life, Giới thiệu, https://baohiemdaiichi.com.vn/gioi-thieu, truy cập 26/05/2021

[5] AIA, Giới thiệu về AIA, https://www.aia.com.vn/vi/gioi-thieu-ve-aia/hop-tac-kinh-doanh.html, truy cập 26/05/2021

[6] Teramoto Minoru (cb), Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Thị Cúc Trâm, Lê Thị Mỹ, ĐỘ BAO PHỦ VÀ MỨC ĐỘ SỬ DỤNG BẢO HIỂM Y TẾ Ở VIỆT NAM, https://www.ide.go.jp/library/Japanese/Publish/Download/Report/2018/pdf/2018_2_40_006_ch00.pdf, truy cập 25/05/2021.

[7] Sở Y tế Tp.HCM, Tìm hiểu bảo hiểm y tế tư nhân tại Nhật Bản, http://medinet.gov.vn/quan-ly-chat-luong-kham-chua-benh/tim-hieu-bao-hiem-y-te-tu-nhan-tai-nhat-ban-so-y-te-hcm-c8-42325.aspx, truy cập 25/05/2021

[8] Sở Y tế Tp.HCM, Tìm hiểu bảo hiểm y tế tư nhân tại Hàn Quốc, http://medinet.gov.vn/quan-ly-chat-luong-kham-chua-benh/tim-hieu-bao-hiem-y-te-tu-nhan-tai-han-quoc-so-y-te-hcm-c8-42161.aspx, truy cập 25/05/2021

[9] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Lao động nước ngoài vào Việt Nam: Tăng sếp, giảm lao động kỹ thuật, truy cập tại đường dẫn ngày 25/05/2021



bottom of page