top of page

Pháp luật về Bồi thường bảo hiểm ở Việt Nam - Những bất cập còn tồn tại và kiến nghị

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019 (sau đây được viết tắt là “Luật Kinh doanh bảo hiểm”) đã được Quốc hội thông qua và đi vào đời sống. Hoạt động bảo hiểm ở nước ta, trong những năm gần đây, đã cho thấy sự trưởng thành của ngành và tiềm năng phát triển trong tương lai. Do đó, các tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm có sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và sự đa dạng về tính chất phức tạp, kéo theo sự tồn tại của nhiều vướng mắc, bất cập đối với các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh này. Hệ quả đó chủ yếu là do pháp luật còn lỗ hổng, chưa quy định rõ ràng dẫn tới các bên quan hệ pháp luật theo hợp đồng bảo hiểm không chắc chắn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình và gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước khi giải quyết tranh chấp do hợp đồng bảo hiểm. Bài viết này chỉ đề cập một số vấn đề pháp lý điển hình qua việc tổng hợp, kết hợp những đánh giá, phân tích nhằm giúp người xem có cái nhìn tổng quan nhất về hoạt động bồi thường bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay.





1. Một số bất cập trong bồi thường bảo hiểm ở Việt Nam

1.1. Trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Điều khoản loại trừ trách nhiệm đối với hợp đồng kinh doanh bảo hiểm là một căn cứ để xác định mức bồi thường thiệt hại giữa bên mua và bên bán bảo hiểm. Theo quy định tại Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được hiểu là “các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền hoặc không phải bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra”. Quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm này là quy định bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm nhưng thực tế còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo pháp luật hiện nay, việc đề cập quy định, điều khoản loại trừ trách nhiệm chỉ mới dừng lại ở những quy định về khái niệm, những nguyên tắc và trường hợp ngoại lệ. Việc này dẫn đến khó khăn trong xác định giới hạn loại trừ trách nhiệm. Hệ quả là các doanh nghiệp có thể dùng những quy định nêu trên như một công cụ “giải thoát” khỏi nghĩa vụ chi trả khoản tiền bảo hiểm khi có trường hợp bảo hiểm xảy ra. Hơn nữa, hiện nay, hầu hết các hợp đồng kinh doanh bảo hiểm trên thực tế là hợp đồng gia nhập, thể hiện rõ ý chí một bên, mà bên còn lại thể hiện ý chí bằng cách tham gia hoặc không tham gia. Do đó, việc kiểm soát được những trường hợp về giới hạn loại trừ trách nhiệm của bên mua bảo hiểm là bất khả thi, dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm không được đảm bảo trên thực tế.

Thứ hai, điều khoản loại trừ trách nhiệm của hợp đồng kinh doanh bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm có sự mâu thuẫn với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Vì Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc phải tồn tại trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm. Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định tại khoản 1 Điều 16 về điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực khi “loại trừ trách nhiệm của tổ chức, các nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật”. Áp dụng các quy định của hai luật này dẫn đến hai hậu quả pháp lý hoàn toàn trái ngược nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: nếu áp dụng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải thực hiện trách nhiệm bảo hiểm và bên mua bảo hiểm sẽ không nhận được tiền bảo hiểm. Trong khi đó, nếu áp dụng quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm và bên mua bảo hiểm sẽ nhận được toàn bộ khoản tiền bảo hiểm theo thoả thuận. Tình trạng này dẫn đến hệ quả mỗi bên chủ thể tham gia hợp đồng sẽ áp dụng các văn bản pháp luật khác nhau nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, luật nào sẽ được ưu tiên áp dụng trong trường hợp này?


1.2. Xử lý trường hợp bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin không trung thực

Theo Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin, bên mua có trách nhiệm cung cấp một cách đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Thực tế, có rất nhiều vụ việc người mua có hành vi không khai báo đầy đủ hoặc khai báo sai thông tin nhằm trục lợi bảo hiểm và vẫn tồn tại những mâu thuẫn trong quy định xử lý hậu quả pháp lý.

Cụ thể, theo điểm a khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua cố ý cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường. Tuy nhiên, tại điểm d khoản 1 Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm: “Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm” và đồng thời theo khoản 2 Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm, việc xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Như vậy, theo quy định tại Điều 19 và Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm, hành vi cung cấp thông tin sai sự thật đang được tách ra khỏi hành vi lừa dối bảo hiểm. Tuy nhiên, Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa: “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. Do đó, ta có thể thấy hành vi cung cấp thông tin không trung thực để giao kết hợp đồng bảo hiểm có dấu hiệu của hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự. Hơn thế, việc tách hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng và cung cấp sai thông tin nhằm giao kết hợp đồng sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý rất khác nhau. Giả sử, cùng một hành vi kê khai không đúng tuổi của bên mua bảo hiểm, đồng thời là người được bảo hiểm trong hợp đồng nhưng có thể sẽ có cách giải quyết không giống nhau giữa các bên của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Để bảo vệ quyền lợi của mình, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xác định hành vi này là “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” để quyết định đình chỉ thực hiện hợp đồng và thu được khoản phí bảo hiểm. Trong khi đó, để giải thoát khỏi các nghĩa vụ hợp đồng cũng như nghĩa vụ tài chính khi vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin, bên mua bảo hiểm sẽ chứng minh hành vi kê khai không đúng tuổi là hành vi lừa dối để giao kết hợp đồng bảo hiểm. Mục đích là để đưa về trường hợp hợp đồng vô hiệu và được nhận lại khoản phí đã đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm vì hậu quả pháp lý của trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là “khôi phục lại trạng thái ban đầu các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận”.

Chính sự xuất hiện của nhiều hậu quả pháp lý khác nhau cho cùng một hành vi đã dẫn đến sự không thống nhất, thiếu logic trong Luật. Vậy trong trường hợp tranh chấp xảy ra các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ căn cứ theo Điều 19 là bên doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương chấm dứt hợp đồng hay căn cứ theo Điều 22 là vô hiệu hợp đồng theo quy định tại Bộ luật Dân sự?


Lợi dụng những lỗ hổng trong hợp đồng bảo hiểm nhằm chuộc lợi bất chính.


1.3. Xác định số tiền bồi thường bảo hiểm trong Hợp đồng bảo hiểm tài sản

Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận về khoản phí mà người mua phải đóng tương ứng với giá trị tài sản bảo hiểm. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm: “số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”. Do đó, số tiền bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định bằng giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế mà không phụ thuộc vào số tiền được ghi tại hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đã phải định giá tài sản được bảo hiểm, tính đến mức độ trượt giá của tài sản để có thể thỏa thuận số tiền bảo hiểm và khoản phí bảo hiểm tương ứng mà người mua bảo hiểm phải đóng. Khi có sự kiện bảo hiểm diễn ra, giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy tổn thất sẽ luôn thấp hơn giá trị tài sản được quy định trong hợp đồng, dẫn đến số tiền bồi thường bảo hiểm mà người mua nhận được sẽ giảm đi đáng kể so với thỏa thuận ban đầu. Điều này còn bất hợp lý ở chỗ người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã có thỏa thuận trước đó về giá trị của tài sản được bảo hiểm (trong đó thỏa thuận về giá trị tài sản chỉ được tính theo mức giá tại thời điểm giao kết hợp đồng), nếu tiền bồi thường lại được căn cứ tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất thì giá trị tài sản được bảo hiểm được ghi trong hợp đồng bảo hiểm là không cần thiết. Đồng thời , người mua bảo hiểm đã đóng khoản phí bảo hiểm nhất định tương ứng với giá trị tiền tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng. Như vậy, người được bảo hiểm sẽ gặp bất lợi trong việc yêu cầu bồi thường.


2. Một số kiến nghị sửa đổi

Tương ứng với những bất cập nêu trên, một số kiến nghị nên được đưa ra bàn luận:


2.1. Trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Thứ nhất, đối với hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng gia nhập, pháp luật nên có quy định rằng các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chỉ được thỏa thuận nhằm mục đích bảo đảm cho khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm. Như vậy, quy định rõ ràng trên sẽ tăng cường khả năng kiểm soát của người mua bảo hiểm về tính hợp pháp của hợp đồng và hạn chế tình trạng lạm dụng và tình trạng né tránh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm của nhà kinh doanh bảo hiểm.

Thứ hai, pháp luật cần giải quyết mâu thuẫn trong mối tương quan giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Pháp luật cần bổ sung những trường hợp ngoại lệ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nghĩa là những trường hợp loại trừ trách nhiệm vẫn phát sinh hiệu lực. Điều khoản “những quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để đảm bảo khả năng thanh toán” cũng được xem như là một trường hợp ngoại lệ. Mặt khác, pháp luật nên bổ sung quy định về nguyên tắc xác định hiệu lực áp dụng trong Luật Kinh doanh bảo hiểm với tư cách là luật chuyên ngành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tư cách là luật điều chỉnh chung. Do đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xem xét áp dụng trong chừng mực có thể bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của người tiêu dùng với điều kiện không xâm phạm đến lợi ích chính đáng của doanh nghiệp bảo hiểm.


2.2. Xử lý trường hợp bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin không trung thực

Pháp luật cần có sự thống nhất giữa điểm a khoản 2 Điều 19 “Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường” và điểm d khoản 1 Điều 22 “Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm của Luật kinh doanh bảo hiểm” của Luật Kinh doanh bảo hiểm trong việc xác định trách nhiệm bồi thường. Theo đó, điểm a khoản 2 Điều 19 nên được tách ra khỏi khoản 2 và sửa đổi thành một khoản mới thuộc điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm: “ Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường sẽ được coi là hành vi lừa dối trong hợp đồng bảo hiểm và quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm”.


2.3. Xác định số tiền bồi thường bảo hiểm trong Hợp đồng bảo hiểm tài sản

Pháp luật cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh tại khoản 2 Điều 42, khoản 1 Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm về căn cứ bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm dựa trên giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại. Căn cứ bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nên được sửa đổi: “dựa trên giá trị tài sản được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, tại thời điểm, nơi xảy ra và mức độ thiệt hại thực tế”. Như vậy, quyền lợi về của người được bảo hiểm về giá trị tài sản được ghi trong hợp đồng khi có thiệt hại về tài sản sẽ được bảo đảm.



Một số điều luật cần được kiến nghị sửa đổi nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm.


Kết luận:

Với những tổng hợp, phân tích nêu trên, một số bất cập điển hình trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã được làm rõ, kèm theo đó là những đề xuất nên được cân nhắc áp dụng trong các trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo tính hợp pháp cũng như tính hợp lý khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bảo hiểm, đồng thời, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm cũng được bảo đảm.


Mai Phương - Trâm Anh

Nguồn ảnh: Internet

 

Tài liệu tham khảo

1. “Bản tổng hợp một số nội dung vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ việc về lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại tòa án nhân dân”, Kỷ yếu Hội thảo của Tòa án nhân dân tối cao về “Pháp luật kinh doanh bảo hiểm và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ”, Nha Trang, 08/2019.

2. Văn bản hợp nhất Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 ( sửa đổi bổ sung 2019).

3. Văn bản Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

4. Bộ luật Dân sự 2015.

5. Bộ luật Hàng Hải 2015.

6. Tâm Lụa, “Gian dối trục lợi bảo hiểm, “tiền mất tật mang”,https://tuoitre.vn/gian-doi-truc-loi-bao-hiem-tien-mat-tat-mang-20200820071615224.htm, truy cập ngày 07/06/2021.

7. Ngô Thu Trang, “Một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm”, https://stp.bacgiang.gov.vn/hien-thi-noi-dung/-/asset_publisher/wtMnvtGfRUNi/content/mot-so-kho-khan-vuong-mac-trong-thuc-hien-phap-luat-ve-hop-ong-trong-linh-vuc-kinh-doanh-bao-hi-1, truy cập 07/06/2021.

bottom of page