top of page

Xu hướng, triển vọng nghề Luật trong thời kỳ 4.0 - Kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng 4.0, mà trung tâm là những đột phá công nghệ trong những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, Internet vạn vật (IoT), công nghệ sinh học, xe tự lái,... Cuộc cách mạng này đang tác động và làm thay đổi toàn bộ các ngành nghề trong xã hội, không ngoại trừ ngành Luật. Đặc biệt, với những gián đoạn mà COVID-19 mang lại, ngành Luật đang có những chuyển đổi kỹ thuật để duy trì kết nối và tiếp tục hoạt động. Vậy đối với một người định hướng theo Luật, triển vọng nghề nghiệp sẽ như thế nào trong thời kỳ này?



Có một câu nói nổi tiếng đối với những người làm Luật: “Lawyer who does not study, is everyday less lawyer” (Người làm Luật mà không học hỏi mỗi ngày thì sẽ dần không còn là người làm Luật) - Eduardo Couture. Ngay cả trong kỷ nguyên của Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, câu nói này vẫn còn tính đúng đắn. Cuộc cách mạng lần thứ 4 đã mang đến những triển vọng cùng những thách thức cho ngành Luật, đòi hỏi mỗi người làm Luật luôn luôn phải học hỏi mỗi ngày để thích ứng được với những tiến bộ mà công nghệ mang lại.


Thách thức của ngành Luật trong thời kỳ công nghệ 4.0


Thách thức lớn nhất có thể kể đến, không chỉ trong ngành Luật, mà bất cứ ngành nghề nào đang chịu tác động của cuộc cách mạng 4.0, là khả năng thích ứng của con người trước những biến đổi công nghệ mạnh mẽ. Sự choáng ngợp trước những thay đổi lớn về công nghệ và hướng đi, tư duy cũ sẽ là cú sốc đối với mỗi sinh viên học Luật hay thậm chí là cả những người đang hành nghề Luật. Những sinh viên học Luật vẫn đang tiếp thu cách dạy truyền thống về Luật trong những trường đại học sẽ khó tiếp cận được với những công nghệ này nếu không có sự tự học, tự rèn luyện của mình. Còn với những người đang hành nghề Luật, phần lớn họ thuộc thế hệ Xennials hoặc thế hệ Y (sinh năm từ 1994 - 1975). Họ đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lối tư duy cũ và phần lớn là khó tiếp cận với công nghệ hơn. Đây sẽ là những trở ngại lớn đối với ngành Luật khi nhân lực không dễ dàng tiếp cận và quản lý công nghệ liên quan đến pháp lý.



Cơ hội rộng mở đồng nghĩa với việc yêu cầu kỹ năng ngày càng cao. Hiện nay, Chính Phủ đang áp dụng công nghệ phát triển cổng thông tin điện tử không chỉ để lưu trữ dữ liệu một cách hệ thống và bảo mật, mà còn giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật. Chẳng hạn như gần đây, Chính Phủ triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch và căn cước công dân gắn chip để khiến cho việc quản lý của nhà nước được hiệu quả hơn. Điều này đòi hỏi mỗi người học Luật có kỹ năng cao để đáp ứng được việc quản lý thông tin, cơ sở quản lý dữ liệu quốc gia trong trường hợp họ muốn được vào làm việc trong nhà nước. Không chỉ vậy, các công ty Luật, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ luôn luôn tìm kiếm những giải pháp tối ưu, tìm kiếm những công dân có kỹ năng công nghệ để đảm bảo hiệu suất làm việc cao và làm việc nhanh nhất, chính xác nhất có thể.



Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động như thế nào đến ngành Luật?


Các công ty Luật truyền thống đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, giải quyết vụ việc nhanh chóng, đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã và đang chứng minh rằng những khó khăn đó là có tồn tại. Nhận thức được vấn đề, các công nghệ pháp lý (Legal Tech) đã được ra đời nhằm giải quyết khó khăn. Các nền tảng này này sử dụng công nghệ và phần mềm nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý. Chúng đã phát triển nhanh chóng với việc áp dụng các công nghệ như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI) và dịch vụ về điện toán đám mây (cloud services). Những nền tảng Luật “tân tiến” này sẽ giúp khách hàng kết nối với Luật sư nhanh nhất có thể. Ngoài ra, chúng còn giúp các doanh nghiệp quản lý tài liệu pháp lý trên dữ liệu đám mây với độ bảo mật cực kỳ cao, đồng thời tiết kiệm một lượng lớn giấy cho môi trường. Đặc biệt, những công nghệ này còn được áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine learning) để đưa ra các quyết định pháp lý đúng đắn nhất dựa trên hàng trăm GB dữ liệu mà nó có thể lưu trữ, điều mà con người khó làm được.


Một trong những ví dụ điển hình của việc áp dụng công nghệ vào việc giải quyết các thủ tục pháp lý là công ty TNHH ứng dụng công nghệ pháp lý (Regtech) - một trong những công ty công nghệ pháp lý uy tín tại Việt Nam. Công ty được thành lập năm 2018, trụ sở chính tại quận Phú Nhuận, TP. HCM. Regtech đã và đang triển khai các dự án tạo ra “hệ sinh thái pháp lý” nhằm hỗ trợ tối đa cá nhân, tổ chức trong các lĩnh vực pháp lý. Công ty này đã phát triển nhiều nền tảng liên quan đến tra cứu hợp đồng, công chứng online, trung tâm trọng tài trực tuyến,... như sau:


Ez Form là hệ thống biểu mẫu điện tử đầu tiên tại Việt Nam với chức năng cho phép cá nhân, doanh nghiệp tìm kiếm và sử dụng các biểu mẫu hợp đồng một cách hiệu quả.


Pantheon là nền tảng cung cấp dịch vụ tư vấn về các lĩnh vực thương mại như quản lý, điều hành doanh nghiệp, sáp nhập và mua lại (M&A), tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư, các lĩnh vực về bất động sản tại Việt Nam.


Công chứng trực tuyến (CCOL) là cầu nối giữa người dùng với tổ chức hành nghề công chứng, giúp cho việc thực hiện công chứng được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm thời gian.


Bizholic là phần mềm thực hiện thủ tục pháp lý bằng Chat Bot đầu tiên tại Việt Nam với tính năng nhanh và chính xác, cùng sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và công sức khi thực hiện các loại giấy tờ, thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước.


Trung tâm trọng tài quốc tế (HIAC) là nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, hỗ trợ tổ chức, các nhân giải quyết tranh chấp pháp sinh một cách thuận lợi nhất trên nền tảng ứng dụng công nghệ. HIAC cung cấp các lựa chọn hình thức giải quyết trực tuyến (online) hoặc tại trụ sở (offline) trên cơ sở phù hợp nhất cho các bên tham gia.


Đâu là triển vọng cho ngành Luật trong kỷ nguyên của công nghệ?


Nhu cầu nhân sự ngành Luật, đặc biệt ở Việt Nam, là rất lớn. Theo Bộ Tư pháp, từ năm 2017 đến 2020, tính riêng các chức danh tư pháp, Việt Nam cần tới 20000 nhân sự, trong đó cần thêm 13000 luật sư, 2300 thẩm phán, 2000 công chứng viên, 3000 chấp hành viên và hàng trăm thẩm tra viên (theo Nhân lực ngành luật, “Ngành Luật hiện nay có đang thừa nhân sự, sinh viên tốt nghiệp ra trường khó tìm việc?”).


Nhu cầu việc làm được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tiếp theo. Ngày nay, cử nhân Luật có cơ hội việc làm rất đa dạng, không chỉ bó hẹp trong các cơ quan nhà nước như tòa án, viện kiểm sát, sở Tư pháp,... mà còn làm việc cho các công ty pháp lý. Đặc biệt, cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân hoặc các công ty nước ngoài tại Việt Nam cũng đang hấp dẫn những cử nhân Luật. Không chỉ vậy, đối với những người học Luật Quốc tế, họ còn có cơ hội làm việc cho các đại sứ quán hay các tổ chức phi lợi nhuận như UNESCO, UNICEF,... để đóng góp cho cộng đồng.


Ngoài việc làm cho nhà nước, công ty tư nhân, doanh nghiệp, văn phòng pháp chế,... nhân sự ngành Luật còn có thể mở rộng hướng đi mới cho mình trong đó có kết hợp sử dụng công nghệ hiện đại để tối ưu hóa các hoạt động pháp lý. Người học Luật có thể học thêm về công nghệ máy tính, người máy, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) để tự mình tạo ra những nền tảng hỗ trợ pháp lý nhằm giúp cho các thủ tục pháp lý được nhanh chóng, hiệu quả hơn.



Việc những công nghệ cao được áp dụng nhiều vào ngành Luật liệu có thay thế được vai trò của những người làm luật? Câu trả lời là không. Nhưng những công nghệ này chắc chắn sẽ làm thay thế được những công việc liên quan đến pháp lý. Như vậy, nhân lực ngành Luật cần có những kỹ năng để điều khiển công nghệ này, đồng thời cần phải có kỹ năng pháp lý cao hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn những “người máy” này để không bị thay thế.


Những kỹ năng của một người học Luật cần có trong thời kỳ cách mạng 4.0


Rèn luyện khả năng chuyên môn cao: đặc thù của ngành luật là yêu cầu về tư duy logic, giải quyết vấn đề, cân đối giữa yếu tố đạo đức con người và hành lang pháp lý. Mỗi người học Luật cần có kiến thức pháp lý vững vàng và khả năng áp dụng trong từng trường hợp cụ thể kết hợp với rèn luyện đạo đức để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất.


Thay đổi và thích ứng với những thay đổi: mỗi người học Luật cần phải tiếp cận đến những công nghệ pháp lý, học để sử dụng và quản lý chúng để làm chủ nghề nghiệp trong kỷ nguyên của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Áp dụng công nghệ: để đưa ra ý tưởng mới cho ngành khoa học pháp lý. Mỗi người học Luật cần tìm ra biện pháp hiệu quả nhất cũng như nhanh gọn nhất để giải quyết tranh chấp, tránh thiệt hại nhiều nhất có thể.



Cuối cùng, mỗi người học Luật cần phải không ngừng học hỏi mỗi ngày, để hội nhập, để đáp ứng nhu cầu của ngành nghề. Quá trình học tập của người làm Luật là quá trình không ngừng nghỉ, bao gồm việc tiếp thu kiến thức có chọn lọc từ người khác đồng thời bao gồm khả năng tự học, tự rút ra vấn đề trong suốt thời gian làm nghề Luật của mình bởi vì “Lawyer who does not study, is everyday less a lawyer.”



Minh Thu

Nguồn ảnh: Internet


bottom of page